Vững vàng trước sóng lớn
20/02/2012
Năm 2000, thực hiện dự án phục hồi và nâng cấp đê biển (PAM 5325) Nam Định đã xây dựng được một số tuyến đê với hình thức bên dưới bê tông, bên trên kết cấu bằng kè. Hiện tại, tỉnh Nam Định đã nâng cấp những tuyến đê xung yếu lên thành tuyến đê cấp 1.
Những tuyến đê đặc biệt xung yếu của tỉnh nằm trên địa bàn của 3 huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy đã cơ bàn hoàn thiện thành tuyến đê cấp 1. Theo tiêu chuẩn, tuyến đê cấp 1 có khả năng chống biển xâm thực và chặn sóng biển và bão biển cấp 10.
Đến năm 2009, biển đã xâm thực vào ba làng của xã Hải Lý (Hải Hậu), gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và tài sản của người dân. |
Chúng tôi đã đi trên con đê bê tông kiên cố từ huyện Hải Hậu đến điểm đê cuối cùng của tỉnh Nam Định là cửa biển Ba Lạt (nơi sông Hồng đổ ra biển). Tuyến đê biển xung yếu dài 45 km giờ đây trở thành con đường bê tông kiên cố vững chãi liên huyện với nhiều hoạt động kinh tế biển tấp nập. Chúng tôi dừng chân tại Quất Lâm (huyện Giao Thủy) để khám phá tuyến đê biển đặc biệt kiên cố theo chỉ dẫn của ông Đặc Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục quản lí đê điều và phòng chống bão lụt tỉnh Nam Định. Tuyến đê này có chiều dài gần 5km với kết cấu bên ngoài là những ụ bê tông nặng từ 5 – 10 tấn đan xen chắn sóng, bên trong là tuyến đê kè bê tông vững chãi cao tới 5 m so mới mực nước biển. Nhìn từ xa, tuyến đê này như một bức tường thành hình vòng cung vươn ra biển chặn đứng từng đợt sóng lớn.
Thi công đê chắn sóng biển.
Con đê kiên cố đã dần hoàn thành.
Con đê như bức tường thành ngăn biển xâm thực vào các đầm nuôi trồng thủy sản của ngư dân huyện Giao Thủy.
Tuyến đê đặc biệt chắn sóng biển từ xa ở xã Quất Lâm.
Triền đê ngăn sóng ở huyện Giao Thủy được xây dựng rất kiên cố.
Tuyên đê phụ được thiết kế theo hình chữ "T" để ngăn sóng biển từ xa đánh vào thân đê chính.
Những khối bê tông đúc sẵn khổng lồ có khả năng làm giảm sức mạnh của các đợt sóng lớn.
Tuyến đê ở huyện Nghĩa Hưng trở thành điểm trú tránh an toàn cho thuyền đánh cá của ngư dân. |
Chị Phan Thị Thu, một ngư dân số ở đây cho biết: “ Trước kia cuộc sống của ngư dân chúng tôi rất khổ sở vì bị nước biển xâm thực và bão tàn phá làng mạc. Sau khi tuyến đê biển này hoàn thành, nước biển bị chặn lại và tuyến đê trở thành “mỏ” thủy sản như: cua, ngao, sò xanh về trú ngụ và sinh trưởng và thành một nguồn thu nhập đáng kể với ngư dân chúng tôi”.
Trong quá trình xây dựng và nâng cấp kiên cố các tuyến đê biển, các cửa sông cũng được nạo vét và bê tông hóa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho thuyền bè mỗi khi mùa bão đến. Mùa mưa bão năm 2011, Nam Định phải hứng chịu hai cơn bão lớn nhưng những tuyến đê vẫn đứng vững trước sóng lớn và không có thiệt hại về tàu thuyền và nhà cửa của ngư dân.
Song song với công tác xây kè đê biển, việc tỉnh Nam Định chú trọng phát triển và bảo tồn các khu rừng chắn sóng ven biển như Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng tạo thành một bức trường thành vững vàng chắn sóng hiệu quả ven bờ biển./.
Bài và ảnh: Thông Thiện